Advertising

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

Trẻ và 1001 cách kiếm tiền


Các em nhỏ được cha mẹ cho một ít tiền tiêu xài hàng ngày đã trở nên chuyện thường ngày. Nhưng những ghi nhận dưới đây cho thấy trẻ có rất nhiều cách kiếm thêm tiền, và điều nguy hiểm là các em không dùng số tiền đó để mua bánh kẹo hay dụng cụ học tập như các bậc cha mẹ thường nghĩ.

Từ nghĩ cách kiếm tiền đến tiêu xài

Không được bố mẹ cho tiền nhiều nhưng Thắng, lớp 5 lại có một cách khác để có tiền mỗi khi cần ngoài số tiền cố định mà mẹ đã cho mỗi ngày. Theo Thắng có nhiều cách để kiếm thêm tiền ví dụ như mỗi khi cần, em thường xin mẹ cho tiền để photo tài liệu học rồi sau đó sẽ nhờ ba chở đi photo vì em biết thế nào ba cũng trả tiền. Nhưng cách đó không phải lúc nào cũng sử dụng được. Em phải lấy rất nhiều lý do như đóng tiền quỹ lớp, phải đóng tiền quỹ lớp giúp bạn nghèo. Hay ra điều kiện với ba mẹ nếu em thi được 9,10 điểm thì phải thưởng 3.000 đồng/môn.

Cũng để dành tiền cho việc chơi với bạn bè và điện tử nhưng Quang Vinh, lớp 4 lại có cách kiếm tiền khác. Những bạn ngồi gần em thường đưa em 2.000 đồng mỗi khi em cho các bạn ấy coi bài khi kiểm tra. Có khi một ngày em kiếm được 6.000 đồng từ dịch vụ này. Em kiếm tiền với mục đích rất đơn giản để có tiền chơi game và bắn bi với bạn. Nếu chơi game, ai thua sẽ trả tiền. Em còn kể một số bạn ở nơi em ở còn chơi trò táng dép ăn tiền.

Em Tường Vy, lớp 4 lại kể về cách kiếm tiền khá thú vị. Hôm nào muốn có tiền để đi chơi thì em giả bộ bệnh, thế là mẹ "xì" thêm ít tiền để em tự mua sữa tẩm bổ thêm lúc đến trường. Và em dùng số tiền kiếm thêm đó để đi chat. Vy nói: “Lên mạng vui lắm, bọn em thường hẹn giờ để lên mạng chat với nhau. Mỗi lần đi chat, em nói là chơi ở nhà bạn".

Em Thành An, lớp 3 được ba mẹ cho cho mỗi ngày 10.000 -20.000 đồng, còn nếu muốn mua gì thêm thì chỉ việc làm mình làm mẩy một chút với ba mẹ hoặc ông bà nội bởi: "Bà nói em là cháu đích tôn là số một ở nhà này nên muốn gì được nấy" và An cho biết thêm “đòi hỏi của em lúc nào cũng được đáp ứng”. Một trường hợp cũng khá đặc biệt là Quốc Huy, nhà ở đường Nguyễn Ðình Chiểu, Q.1, tuy còn nhỏ nhưng cách nói chuyện của em khá già dặn và ra lệnh như ông chủ. Em cho biết ba mẹ em đều kinh doanh làm ăn lớn, nhà chỉ có em là con một nên rất cưng và nuông chiều em. Lúc nào em cũng có trong tay khoảng 500.000 đồng để dành mua những gì em cần. Ngoài ra mỗi khi biết ba ký được hợp đồng lớn, em đòi phải cho "heo tiết kiệm" của em vài trăm đô la, mẹ cũng vậy, nên hiện giờ heo đất em có rất nhiều tiền. Rất tin tưởng, em cho biết: "Bà nội em nói sau này lớn lên nếu em không thích đi làm cũng có dư tiền xài".

Một lần phải kiếm cách "moi" tiền từ người lớn, Thảo Nguyên, lớp 5 nhà ở đường Nguyễn Văn Thủ, Q.1 tâm sự, ba em là kế toán trưởng của một công ty nước ngoài, mẹ là chủ một shop quần áo. Mỗi sáng trước khi đi làm, ba mẹ cho em số tiền để em tiêu vặt, khoảng 20.000 đồng trở lên, có hôm không có tiền lẻ, ba mẹ cho em luôn tờ 50.000 đồng hay 100.000 đồng. Nhiều lúc em không biết phải làm gì cho hết số tiền đó. Ở nhà một mình buồn lắm vì tối ba mẹ đi làm mới về nên em đi chơi điện tử, chat nhưng có lúc cũng chán.

Các bậc phụ huynh nghĩ gì

Ða số các cha mẹ đều cho con cái mình một số tiền nhất định mỗi ngày với nhiều lý do khác nhau. Chị Thanh Huyền, nhà ở Nguyễn Thái Sơn, Q. Gò Vấp nhận định: số tiền cho con cái tiêu vặt mỗi ngày cũng tốn một khoản khá lớn. Thằng nhỏ nhà chị đang học lớp 2 nhưng mỗi ngày cũng phải cho cháu vài nghìn đồng để cháu mua quà bánh gì ở trường: "Con người ta có chẳng lẽ để còn mình đứng ngó. Ðó là chưa kể các khoản tiền khác cháu xin thêm khi muốn mua truyện tranh hay thứ gì khác và tất nhiên là không có lý do gì để từ chối khi con xin tiền".

Với những gia đình có thu nhập cao nên cho con tiền nhiều nhưng với các gia đình có thu nhập thấp thì việc cho con dù chỉ 2.000 đồng/ ngày cũng là cả vấn đề. Chị Minh Thư, nhà ở Q.8 phàn nàn: "Tôi buôn bán vất vả cả ngày mà còn thiếu trước hụt sau cho mấy khoản cần phải chi trong gia đình chứ đừng nói gì đến việc cho trẻ 2.000 đồng xài vặt. Nhưng không cho không được vì sợ nó tủi thân với bạn bè. Nghe con kể trên lớp đứa nào cũng đem theo tiền khi đi học làm mình thấy không thể không cho nó được. Thôi thì ráng nhịn ăn, nhịn mặc một chút cho con mình bằng con người ta".

Chị Kim Phượng, nhà ở đường Trường Sơn, khu cư xá Bắc Hải, Q.10 phân bua: "Lúc cháu còn học cấp I chỉ cho khoảng 10.000 đồng/ngày. Giờ cháu học lớp 8, cho 15.000 đồng mà nó còn chê ỏng chê eo, nói rằng cấp II thì tiền phải gấp đôi cấp I, nào là con trai lớn thì nhu cầu tiêu vặt cũng cao hơn, tiền sửa xe, mua sách vở, uống nước, sinh nhật bạn bè... Cháu mới học lớp 8 mà vậy thì chắc sau này lớn chút nữa vợ chồng tôi sẽ khổ dài dài. Hai vợ chồng đi làm cả ngày, đến tối mới về thì lấy đâu ra thời gian kiểm tra con nó xài tiền vào việc gì. Lúc nào cũng thấy nó mở miệng xin tiền, không cho cũng không được”. Chính vì quá dễ dãi trong chuyện tiền bạc với con ngay khi con còn nhỏ nên chị Kim Phượng phải chấp nhận cảnh cho con tiền ngày càng nhiều như hiện nay mà không có cách nào khác. Với lập luận như con chị Phượng thì khi lên cấp III, số tiền quà vặt cũng phải tăng gấp đôi là 30.000 đồng/ngày. Vì sao trẻ cần một số tiền nhiều như vậy cũng là vấn đề mà các bậc cha mẹ nên quan tâm tìm hiểu.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình không thiếu thốn nên thường cho tiền để tiêu xài nhưng lại không thể thấy hết những nguy cơ xấu tiềm tàng đằng sau việc cho tiền trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phải quản lý và quan tâm nhiều hơn đến cách tiêu xài tiền của các em nhỏ, nhất là những em đang ở độ tuổi cấp I, tuổi còn quá nhỏ để có thể tự kiểm soát và làm chủ đồng tiền của mình. Việc giúp cho trẻ hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền và hướng dẫn các em nên làm gì khi có tiền trong tay cũng là một điều hết sức quan trọng và cần thiết.

QUỲNH NHƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét